CHIA SẺ KINH NGHIỆM DỊCH NHẬT – VIỆT
Thi thoảng có vài bạn nhắn tin hỏi mình về kinh nghiệm dịch tiếng Nhật khi trình độ mới tầm N2 và cũng chưa cọ sát nhiều. Dù ko phải phiên dịch chuyên nghiệp nhưng mình cũng dịch khá nhiều tài liệu từ hợp đồng kinh tế, tài liệu kỹ thuật, thông tin y tế, lý do du học, giấy xuất ngũ, …đủ cả nên cũng có chút kinh nghiệm. Mình xin note lại ở đây một vài kinh nghiệm của bản thân để biết đâu nhiều bạn cũng cần.
MẠNH DẠN TÁCH CÂU, DÙNG MỘT ĐOẠN ĐỂ DỊCH 1 TỪ KO CÓ TRONG TIẾNG VIỆT NẾU CẦN.
Theo như cá nhân mình nhận thấy, thi khi dịch, khó khăn nhất là làm sao chuyển ngữ được tự nhiên. Nhiều khi cả câu từ nào cũng biết, mẫu ngữ pháp ko quá phức tạp, nhưng khi dịch thì lại cảm thấy mãi ko thể làm sao cho nó thuần Việt được.
Việc này là do 2 ngôn ngữ khác nhau thì chắc chắn ko thể từ hay mẫu câu nào cũng có cụm từ hay mẫu câu tương đương nhau được. Thậm chí có những cách nói trong TN có, mà TV ko có, nên mình khi dịch lại còn phải giải thích kèm theo ko thể người đoc sẽ khó hiểu vô cùng. Nhưng các bạn dịch chưa quen thường sẽ bị kiểu cố làm sao cho giữ thật sát cấu trúc của câu gốc, câu gốc TN là 1 câu ghép thì khi mình dịch cũng phải cố bằng được để nó là 1 câu ghép, nên thành ra lúc chuyển ngữ sang TV thì thành 1 câu trực dịch vô cùng.
Mình thì thường quan niệm là dịch cần nhất là sát nghĩa và dễ hiểu, nên những câu mà cấu trúc bên TN trúc trắc quá, từ gốc trong TN ko tìm được từ có nghĩa tương đương, thì mình sẽ đọc để hiểu đoạn đấy nói gì, rồi viết lại sang tiếng Việt theo cách trình bày của mình. Rất nhiều lần 1 câu dài mình tách thành 2 câu ngắn hơn, một từ ko chuyển sang được từ tương đương thì mình diễn giải lại.
Quan trọng nhất, là phải mạnh dạn thoát ra khỏi khuôn khổ ngữ pháp của bản gốc, hiểu mẫu đó nói gì, nhưng khi viết lại phải viết thành ngữ pháp TV, ko phải là viết thành mẫu ngữ pháp TN trực dịch sang TV.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM >>>KINH NGHIỆM HỌC TỐT TIẾNG NHẬT TỪ CƠ BẢN
BỔ SUNG VỐN TỪ BẰNG CÁCH ĐỌC VĂN BẢN TƯƠNG ĐƯƠNG Ở TIẾNG VIỆT:
Việc khó thứ 2 khi dịch, là nhiều bạn bảo em đọc thì hiểu, nhưng ko biết dịch ra thế nào cho chuẩn. Ngoài nguyên nhân 1 mình nói đến ở trên, còn nguyên nhân nữa là vốn TV của các bạn ko đủ. Tức là vốn từ vựng của bạn ở mảng đó chỉ dừng ở mức là nghe -đọc thì hiểu, nhưng ko phải là của bạn nên khi cần bạn ko bật ra được (kiểu tương tự như mình học ngoại ngữ ấy, đọc thì hiểu nhưng ko tự viết được).
Ngoài ra, nếu bạn vốn ko phải là người giỏi viết lách, hành văn TV, thì khi dịch bạn cũng sẽ gặp khó khăn.
Ngoài các ngôn ngữ đời sống thông thường, thì vốn từ ở các mảng khác của chúng ta như kinh tế- xã hội- chính trị- y tế- văn hoá – manga anime drama, sẽ phụ thuộc vào lượng sách báo- tin tức mà chúng ta tiếp xúc, chứ ko phải cứ là người Việt và biết từ đấy trong TN nghĩa là gì là sẽ dịch được sang TV chuẩn chỉ, ko phải thế.
Vì thế, để dịch tốt chúng ta cần phải bổ sung vốn từ vựng và hành văn TV của chúng ta trong mảng đó.
Ví dụ nếu được giao dịch dream novel, bạn cần phải tham khảo cơ số manga, anime, dream novel của các dịch giả khác để nắm được cách mọi người thường hành văn, khi dịch hợp đồng kinh tế bạn phải đọc thử khá khá hợp đồng kinh tế khác để biết là trong TV hợp đồng người ta ko dùng mấy ngôn từ bình thường mà chúng ta đi chợ vẫn nói đâu. Hay khi dịch tin kinh tế, chính trị thì bạn cần phải đọc để biết là bình thường VN Economy hay Vnexpress sẽ viết về các vấn đề ấy ra sao, vân vân và vân vân…
Chứ ko phải chỉ nhìn bản gốc TN sau đó gõ đi gõ lại phần dịch rồi vò đầu bứt tai tại sao mình dịch mãi ko hay bằng chúng nó.
Cách hay để học dịch mà mình hay áp dụng thời SV lúc suốt ngày bị cô bắt dịch tin kinh tế là mình vô VIETJO- trang tin tức về VN dịch sang TN (để các DN Nhật đọc), rồi xem tin gốc TV là gì bằng cách Google theo tên báo- tên tác giả ở cuối bài + 1 vài từ khoá trong bài. Sau đó có link bài gốc rồi thì mình tập dịch bài ở VIETJO sang TV và so lại với bản gốc.
Dĩ nhiên là nó ko giống nhau hoàn toàn, nhưng khá nhiều cụm từ hay cách hành văn hay về kinh tế- xã hội có thể học được.
Link : https://www.viet-jo.com/m/
Kiên trì dịch vài lần thử kiểu này tin chắc văn phong của các bạn sẽ khá hơn nhiều.
TẬP DỊCH CẢ ĐOẠN, TẬP DỊCH NHỮNG GÌ MÌNH THÍCH:
Như mình đã nói ở trên, dịch quan trọng nhất là cách hành văn. Chỉ dịch 1 câu dễ hơn nhưng cũng nhiều khi khó hơn nhiều so với dịch cả đoạn, vì thường cả đoạn thì sẽ có văn cảnh, hoặc câu nọ bù câu kia.
Vì thế, khi tập dịch mọi người nên chọn 1 vài đoạn ngăn ngắn vừa tầm mình trước, cái gì mình hứng thì làm trước để dần quen thì lâu dần sẽ thấy ko khó khăn nữa . Mưa dầm thấm lâu kiểu gì lâu lâu đọc lại sẽ thấy mình dịch hay và trôi hơn hẳn.
Trên đây là 1 số chia sẻ của mình về việc dịch theo kinh nghiệm bản thân. Các tip trên có thể áp dụng cả cho dịch xuôi và dịch ngược, dĩ nhiên dịch ngược Việt- Nhật thì cần đòi hỏi nhiều thứ hơn, khi nào có thời gian mình sẽ chia sẻ trong 1 bài khác.
Tiện đây, chia sẻ lại với cả nhà đoạn văn gốc TN (trong ảnh) và đoạn dịch TV của mình cho phần “Lời chào trên Tomoni”. Đoạn này mình dịch khá nhanh, chỉ trong khoảng 1 tiếng, 1 phần vì mình hiểu ý sếp mình nói nên chuyển ngữ khá nhanh, 1 phần vì cách hành văn này cũng là kiểu hành văn mình hay dùng.
️Lời chào từ TOMONI
– Cổng thông tin cho người Việt Nam tại Nhật Bản –
Cửa hàng tiện lợi, những quán ăn, quán nhậu,.. là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc cuả thủ đô Tokyo, và những năm gần đây, khi đi tới bất cứ đâu, chúng ta đều có thể bắt gặp bóng dáng của những du học sinh Việt Nam đang làm việc chăm chỉ. Chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chàng trai Việt Nam trong bộ đồ lấm lem bùn đất tại các công trường xây dựng. Có thể bạn cho là tôi nói hơi quá, nhưng quả thật, tôi nghĩ rằng, nền kinh tế của Tokyo có lẽ sẽ khó mà vận hành trơn tru được nếu thiếu sự góp sức của người lao động Việt Nam.
Suốt một thời gian dài, chúng tôi đã luôn trăn trở về việc, liệu rằng, mình có thế làm được việc gì đó cho những người Việt Nam đang ngày ngày góp sức cho sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản hay không.? Và cuối cùng, chúng tôi quyết định tạo ra một trang web- một cổng thông tin cung cấp những thông tin thật hữu ích dành cho người Việt Nam đã, đang và sẽ làm việc tại Nhật Bản.
Chúng tôi nhận thấy rằng, người Việt Nam khi làm việc tại Nhật Bản gặp rất nhiều những vướng mắc, khó khăn. Ví dụ như sinh viên khi mới sang muốn tìm baito cũng không rõ phải viết CV tiếng Nhật như thế nào, rồi khi chuẩn bị ra trường, đi tìm việc cũng không nắm được rõ các thông tin về hoạt động xin việc tại Nhật ra sao? Tìm được việc rồi thì việc chuyển đổi visa thế nào cũng lại là một lo lắng không hề nhỏ? Rồi các vấn đề về luật lao động của Nhật, về chế độ thuế, bảo hiểm, tiền nenkin… không phải ai cũng hiểu rõ.
Tôi nghe nói, đã có không ít sinh viên và người lao động Việt Nam tại Nhật đã bị những người Nhật và người Việt Nam “ xấu xí” lừa đảo, khiến họ phải chịu không ít thiệt thòi, tổn thất. Và tôi cũng vô cùng lo lắng về tình trạng gia tăng phạm pháp của người Việt Nam tại Nhật gần đây.
VOL 21: HÀNH TRÌNH TÌM VIỆC GIAN NAN
Tôi cho rằng, những vấn đề trên, đều có nguyên nhân chính từ việc sinh viên và người lao động Việt Nam tại Nhật không nắm được trước các nguồn thông tin chuẩn xác, và không có một người- một địa chỉ tin cậy để họ có thể hỏi han, trao đổi khi gặp các vấn đề trăn trở. Và chúng tôi quyết định đưa vào hoạt động cổng thông tin này, cũng chính vì muốn tạo ra được một địa chỉ tin cậy để các bạn có thể trao đổi, và sẽ là nơi cung cấp các thông tin chuẩn xác đến cho các bạn- những người Việt Nam đã luôn giúp đỡ nước Nhật.
Thêm vào đó, dù chúng tôi không có liên quan trực tiếp nhiều đến các bạn thực tập sinh, nhưng hi vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ có thể giúp ích phần nào để các bạn biết thêm những điều các bạn cần và nên biết trước và sau khi tới Nhật, để không bị đặt vào tình thế mà các bạn không mong muốn.
Tên website được đặt là TOMONI, viết trong tiếng Nhật sẽ là 「共に」(cùng nhau)「友に」(bạn bè). Chúng tôi chọn tên này với hi vọng rằng, bây giờ- sau này và mãi mãi, Nhật Bản và Việt Nam sẽ là những người bạn cùng nhau bước đi và cùng phát triển về mọi lĩnh vực như kinh tế- văn hoá,..
Tổ chức phi lợi nhuận MPKEN
Giám đốc Tanaka Toshihiko
Tokyo, ngày 11 tháng 1 năm 2017