CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ ĐĂNG KÝ NGƯỜI PHỤ THUỘC ĐỂ XIN GIẢM THUẾ

Cuối năm là thời điểm các công ty bắt đầu rục rịch là thủ tục điều chỉnh thuế cuối năm (年末調整). Đây là dịp để các bạn đang đi làm có thể tận dụng để điều chỉnh lại số người đăng ký phụng dưỡng  từ đó giảm bớt một phần số thuế phải chịu. Đối với các gia đình có con nhỏ đang đi nhà trẻ, việc giảm thuế này còn giúp giảm tiền học của các bé tương đối nhiều (có thể giảm từ 1.5 – 2 man/bé) tuỳ số người phụ thuộc. Dưới đây mình xin tổng hợp lại một số thắc mắc thường gặp xoay quanh thủ tục này và giải đáp ngắn gọn cho những thắc mắc đó. Hi vọng sẽ giúp các bạn hình dung rõ hơn về thủ tục này nha.

1. Có thể đăng ký cho bố mẹ vợ phụ thuộc mình để giảm thuế không?

Có thể. Để đăng ký phụ thuộc cho bố mẹ vợ, bạn cũng cần chuẩn bị các giấy tờ tương tự như đối với bố mẹ bạn. Tuy nhiên, cần có thêm giấy tờ chứng minh cho quan hệ của bạn và bố mẹ vợ nữa (giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của vợ,..). Tất cả các giấy tờ này đương nhiên cần phải được dịch sang tiếng Nhật.

2. Gửi tiền về cho con (ở Việt Nam) có được tính giảm trừ thuế không?

Trẻ em dưới 16 tuổi không thuộc đối tượng được giảm trừ khi đăng ký phụ thuộc, vì vậy dù bạn có làm thủ tục thì cũng không được tính giảm thuế. Mọi người thường hỏi lý do tại sao lại có quy định này. Theo mình hiểu thì là vì trẻ dưới 16 tuổi thì bố mẹ đã được nhận trợ cấp nuôi con (子供手当) từ chính phủ rồi nên sẽ không được giảm trừ thuế nữa.

GỢI Ý MỘT SỐ MÓN QUÀ TẶNG NÊN MUA KHI VỀ NƯỚC CHƠI 



3. Bản dịch các giấy tờ như giấy khai sinh/giấy đăng ký kết hôn/ hộ khẩu có bắt buộc phải công chứng không? 

Trừ công ty nào quá khó, còn đại đa số là không cần. Các bạn có thể dùng bản scan/photo, tuy vậy cần đính kèm thêm bản dịch tiếng Nhật cho các tài liệu trên nhé. Bạn tự dịch cũng được, không cần công chứng cũng không sao nhé.

4. Đã nộp giấy khai sinh rồi mà sao công ty vẫn yêu cầu nộp sổ hộ khẩu? 

Tuỳ vào từng công ty mà có thể ngoài các giấy tờ cơ bản, bạn sẽ cần nộp bổ sung các giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ. Ngoài giấy khai sinh, có nhiều công ty còn yêu cầu nộp bổ sung cả sổ hộ khẩu, thẻ căn cước có ảnh của bố/mẹ bạn, hoặc thậm chí còn yêu cầu chứng minh thu nhập của người mà bạn đang phụng dưỡng thấp hơn 103 man/năm. Tuy vậy, hầu hết các giấy tờ này bạn đều có thể dùng bản scan/photo nên nếu bị yêu cầu nộp thêm thì các bạn cứ cứ bình tĩnh nhờ người nhà scan rồi chuyển qua email và chịu khó dịch là ổn bạn nhé.

Giấy tờ chứng minh thu nhập thấp hơn 103 man bạn có thể nhờ bố mẹ photo sổ lương, bảng lương hưu,…hoặc bạn nào gia đình làm nông thì có thể ra phường, xã, nhờ viết giấy chứng minh đóng dấu cũng được. Cái này không có form gì cả, mình tự biên tự diễn, đi ra nhờ đóng dấu rồi dịch qua thôi.

 MỘT SỐ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG PHỔ BIẾN VÀ NƠI MUA RẺ – UY TÍN 



5. Nếu không nộp đủ giấy tờ trước hạn công ty yêu cầu thì có được giảm thuế không? 

Bạn vẫn có thể làm các thủ tục này, tuy nhiên sẽ mất công hơn 1 chút. Thay vì chỉ cần nộp giấy tờ cho công ty là bộ phận hành chính/ kế toán sẽ xử lý giúp, thì bạn sẽ phải đích thân lên tận sở thuế (税務署)để làm. Miễn là có đầy đủ giấy tờ và có giấy chuyển tiền thời hạn TRONG NĂM mà bạn muốn xin giảm thuế, thì dù bạn ko kịp hạn nộp 年末調整 bạn vẫn có thể lên sở thuế bất cứ lúc nào để làm thủ tục xin miễn giảm. À, nhưng hiệu lực để xin giảm thuế cho các năm trước (nếu có đủ giấy tờ, quan trọng nhất là giấy chuyển tiền) chỉ là tối đa 5 năm nên đừng để lâu quá bạn nhé.

6. Nên chuyển tiền qua đâu để lấy giấy chuyển tiền? 

Có rất nhiều dịch vụ chuyển tiền chính thống (chuyển tay ba hay nhờ bạn cầm về, tự mình cầm về, bố mẹ sang nên đưa trực tiếp,..đều ko được bạn nhé) mà bạn có thể sử dụng. Dcom và SBI Remit là 2 dịch vụ được khá đông người Việt Nam tại Nhật sử dụng nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng nhé. Phí chuyển tiền tương đối rẻ (chỉ khoảng trên dưới 1000y cho 10 man), giấy chuyển tiền phát hành nhanh chóng ạ. Dạo gần đây có thêm Sendy cũng khá ok, thi thoảng mình thấy tỉ giá công bố còn cao hơn của Dcom và SBI nữa.

SHARE THÔNG TIN VỀ BẢO HIỂM Y TẾ TƯ NHÂN



7. Cần chuyển tối thiểu bao nhiêu để được giảm thuế?

Từ trước tới giờ thì ra không có một quy định cụ thể nào cả, nhưng theo luật mới thì từ năm 2023, nếu người phụ thuộc trong độ tuổi từ 16-69 tuổi thì phải gửi số tiền trên 38 man/người/năm mới được công nhận. Thời điểm tính tuổi là mốc trước 31/12/2023, tức là nếu bạn nào bố/mẹ sinh sau 31/12/1953 (tức là vào thời điểm 31/12/2023 dưới 70 tuổi) thì sẽ không được tính vào danh sách người phụ thuộc để giảm thuế nếu bạn không gửi đủ số tiền 38 man/người/năm.

Còn tại thời điểm hoàn thuế của năm 2022 này, thì vẫn chưa có quy định gì về số tiền phải gửi cả, nên trước giờ các bạn gửi bao nhiêu thì năm 2022 này cứ gửi như vậy là được. Theo kinh nghiệm cá nhân của các mình và bạn bè thì các bạn nên chuyển khoảng 5-6 man/người/năm trở lên. Và nếu bạn muốn đăng ký phụ thuộc cả bố mẹ vợ/ bố mẹ chồng, thì sẽ phải gửi cho 4 người (gửi riêng từng người, ko gộp chung tài khoản nhận, dù cùng 1 gia đình) số tiền vào khoảng 20-24 man/năm. Tốt nhất là nên gửi trước tháng 11 để kịp có giấy tờ nộp vào đợt 年末調整 luôn.

8. Xin phụ thuộc giảm thuế có ảnh hưởng tới vĩnh trú không? 

Nếu bạn đăng ký quá nhiều người (4-5 người trở lên) thì có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi xin vĩnh trú. Tuy vậy, nếu chỉ đăng ký khoảng 2 người (bố mẹ ruột) thì ko sao cả. Nếu bạn đang sắp đến kỳ hạn xin vĩnh trú (hiện vĩnh trú đã check thuế trong 5 năm trở lại đối với visa lao động bình thường) thì bạn nên cân nhắc việc đăng ký phụ thuộc quá nhiều. Bạn có thể gửi tiền về sẵn rồi sau khi có vĩnh trú thì làm thủ tục xin hoàn ngược lại. Tuy vậy, khi đó thì tiền học của con bạn bị tính tăng trong những năm đó sẽ ko lấy lại được.

Theo nhiều truyền thuyết được truyền miệng trên mạng thì con số an toàn là: số thu nhập > 300 man+ số người đăng ký phụ thuộc x 80 man. (tức là ai đăng ký phụ thuộc 4 người thì thu nhập phải tầm 620 man trở lên xin vĩnh trú mới an toàn). Các bạn mới sang chưa có ý định xin vĩnh trú, nhưng chuẩn bị đón vợ/con sang cũng nên lưu ý, vì thu nhập của bạn có thể bị đánh giá là ko đủ để duy trì cuộc sống gia đình nếu bạn đăng ký phụ thuộc cho quá nhiều người.

ĐỌC THÊM: NGHỀ NHÂN SỰ… (PHẦN 1)